5 năm tới, khu vực nào sẽ là điểm nóng của bất động sản Hà Nội?

Khoảng chục năm qua, Tây Nam (gồm Hà Đông, Nam Từ Liêm) và phía Nam (Hoàng Mai) là những điểm nóng của thị trường bất động sản thủ đô. Nguồn cung phân khúc căn hộ (loại hình nhà ở chủ đạo ở các thành phố lớn) thuộc những khu vực trên đã bão hòa khiến giới đầu tư khó lướt sóng, việc mua và cho thuê lại cũng không khả quan. Đi cùng quá trình phát triển, trong tầm nhìn 5 năm tới, khu vực nào sẽ là điểm nóng của bất động sản Hà Nội?

Trao đổi với Batdongsan.com.vn, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư kí Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng Hà Nội có quy hoạch phát triển khá đồng đều. Theo quy hoạch chung thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội có những đô thị vệ tinh, đô thị lõi, các đô thị chức năng chuyên nghiệp, rải ở cả 5 hướng phát triển đô thị vệ tinh là Sóc Sơn, Mê Linh, Xuân Mai, Hòa Lạc và Phú Xuyên. Tuy nhiên, ông Đính nhấn mạnh, hiện nay, các vùng đô thị này đều chưa đạt được tốc độ phát triển như đề án đưa ra.

Trong khi đó, ông Đính cho biết, việc Hà Nội đã, đang và sẽ triển khai một loạt câu cầy nối từ bờ Bắc sang bờ Nam thành phố sẽ tạo nên sự sôi động ở các khu vực Gia Lâm, Long Biên và Đông Anh. Những cây cầu khi được hoàn thiện sẽ kết nối 3 khu vực trên với với các vùng lõi thủ đô, các khu trung tâm thành phố. Trong khoảng 5 năm tới, Gia Lâm, Long Biên và Đông Anh sẽ được hoàn thiện mạnh trên nhiều phương diện về hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, dịch vụ và trở thành đối trọng về áp lực đô thị với các quận trung tâm.

Theo ông Đính, trong các khu vực trên, Đông Anh có nhiều lợi thế hơn cả và sẽ là một trong những khu vực trọng tâm của thị trường bất động sản tương lai với một loạt các dự án lớn đang được triển khai. “Bất động sản trục Nhật Tân – Nội Bài đang thu hút nhiều đối tác nước ngoài. Bên cạnh đó, những tên tuổi lớn của bất động sản Việt Nam như Vingroup, Sungroup, BRG, FLC đều tham gia vào đây với các dự án quy mô lớn. Gần đây, theo tôi được biết, có 1 đơn vị lớn đang muốn xây dựng một bệnh viện quốc tế tại Đông Anh. Như vậy, cả đô thị, dịch vụ, hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội tại Đông Anh đều đang được nghiên cứu và triển khai. Trong 5-10 năm nữa, Đông Anh nói riêng và các khu vực bên kia bờ sông Hồng nói chung sẽ là điểm nóng của bất động sản Hà Nội”, ông Đính nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Thăng Long, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản VHS cho rằng, trong 3 đến 5 năm tới, trọng điểm của thị trường bất động sản Hà Nội sẽ là Gia Lâm, Mê Linh, Đông Anh và phía tây dọc trục đại lộ Thăng Long – Ba Vì.

Lý giải cho nhận định này, ông Long cho rằng, theo định hướng quy hoạch chung thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, dân số đô thị sẽ tăng từ 30% hiện nay lên trên 50% vào năm 2025. Để đạt được mục tiêu đó, Hà Nội đã có kế hoạch tập trung phát triển các khu đô thị hạt nhân nhằm giãn mật độ dân số đang tăng cao tại đô thị trung tâm cũng như thúc đẩy tốc độ đô thị hóa các vùng lân cận. Những điểm nóng trong tương lai của thị trường bất động sản đều là những khu vực phù hợp với định hướng phát triển đó.

Ngoài ra, ông Long nhấn mạnh, trên thực tế, các tập đoàn bất động sản lớn bước đầu đã có các hoạt động đầu tư tại các vị trí trọng điểm trên. Một quy luật của thị trường là sự xuất hiện của các ông lớn với những dự án đình đám tại một địa điểm sẽ định hướng và định vị thị trường bất động sản khu vực đó.

Ông Long cũng chia sẻ, trong tương lai các khu vực điểm nóng trên cũng phù hợp để phát triển những khu đô thị chức năng như khu đô thị sinh thái, khu đô thị công nghệ cao… Tính chất công năng đặc biệt của các khu đô thị sẽ thúc đẩy hạ tầng khu vực phát triển đồng bộ và hiện đại hơn.

Bà Đỗ Thu Hằng, Phó Giám đốc bộ phận nghiên cứu Savills Hà Nội cũng đánh giá cao triển vọng thị trường tại các khu vực Đông Anh, Long Biên và Gia Lâm trong vòng 5 năm tới. Đặc biệt, bà cho rằng những khu vực này sẽ là tâm điểm của phân khúc thấp tầng (biệt thự, nhà liền kề, shophouse).

Trong tầm nhìn 3 năm tới, Long Biên và Hà Đông vẫn sẽ là điểm nóng của bất động sản liền thổ. Trong tầm nhìn 3-5 năm tới, triển vọng thị trường có thể là Đông Anh, Gia Lâm. Riêng trong quý II/2018, Đông Anh đón thêm dự án smart town (đô thị thông minh) của BRG và Sumitomo với quy mô khoảng 272ha. Dự án Vincity Gia Lâm cũng đang được triển khai tại đây. Những dự án này bước đầu đã thổi luồng gió mới vào bất động sản khu vực.

Bà Hằng cũng cho biết, không khó để nhận ra giai đoạn 2016-2017, nguồn cung đất nền biệt thự tập trung chủ yếu ở Hà Đông, Long Biên, Hoàng Mai, Từ Liêm và Cầu Giấy. Thế nhưng trong những năm kế tiếp, nguồn cung phân khúc này có thể sẽ đổ về và gia tăng mạnh tại Đông Anh và Gia Lâm.

Thúy An

(Theo Enternews.vn)