Nông nghiệp đô thị xanh
Việt Nam có tốc độ đô thị hóa nhanh. Các khu đô thị của Việt Nam tăng 2,8% hàng năm. Thành phố Hồ Chí Minh (7,8 triệu người) và Hà Nội (5,6 triệu người) nằm trong số các thành phố lớn nhất trong khu vực. Do nhu cầu phát triển đô thị và công nghiệp – dịch vụ, quỹ đất nông nghiệp ở Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn ngày càng eo hẹp. Thực tế này, đòi hỏi lãnh đạo các địa phương, ngành nông nghiệp cũng như các hộ nông dân phải thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp. Đó là chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng – vật nuôi theo hướng sử dụng ít diện tích đất nông nghiệp nhưng có hiệu quả kinh tế cao hơn gấp nhiều lần, mở ra hướng phát triển cho nông nghiệp đô thị.
Trước thực trạng đó, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 2011 về việc “Phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp Đô thị trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025”. UBND thành phố Hà Nội cũng phê duyệt Đề án quy hoạch phát triển hoa cây cảnh đến năm 2016, toàn thành phố phấn đấu diện tích sản xuất hoa, cây cảnh đạt khoảng 2.165 ha canh tác với tốc độ mở rộng các vùng sản xuất mới là 60 – 80 ha/năm; tăng trưởng bình quân hàng năm từ 5 – 10% năng suất và giá trị sản xuất hoa, cây cảnh.
Cùng với đó, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 6618 về việc phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu sản xuất, dịch vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nhờ những chính sách này, Hà Nội hiện có gần 3.000ha trồng rau, hoa quả, cây cảnh và có tới 50 làng nghề truyền thống về hoa, cây cảnh, rau, quả… Ở các tỉnh, thành trong cả nước đều hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cho năng suất cao, thân thiện môi trường, an toàn cho con người với các quy mô khác nhau.
Một số mô hình sản xuất nông nghiệp ở Hà Nội như: Mô hình áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc bưởi Diễn; mô hình trồng cam Canh; chăn nuôi bò sữa… Còn tại TP. HCM, có chương trình phát triển hoa, cây và cá cảnh nhằm chuyển hướng nông nghiệp, từ truyền thống với lúa là cây trồng chính sang nông nghiệp đô thị với hoa, cây cảnh, cá cảnh, bò sữa, rau an toàn… có giá trị kinh tế cao hơn. Các trung tâm nông nghiệp công nghệ cao như: Khu Nông nghiệp công nghệ cao (Củ Chi), Trung tâm Công nghệ sinh học (Quận 12), Trung tâm Thủy sản (Cần Giờ), Trại Thực nghiệm Bò sữa công nghệ cao hợp tác với Israel (Củ Chi),… được xây dựng để tạo ra các giống cây trồng vật nuôi chất lượng cao, phân bón, kỹ thuật để cung cấp cho nhu cầu phát triển nông nghiệp đô thị.