Bảo đảm cân đối cung-cầu trong sản xuất và tiêu thụ xi măng

Trong năm 2018, dự kiến sẽ có thêm 3 dây chuyền sản xuất xi măng với công suất trên 10 triệu tấn sẽ đi vào vận hành, nâng tổng công suất thiết kế của ngành xi măng đạt khoảng trên 108 triệu tấn. Điều này tạo áp lực rất lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất xi măng về bài toán cung-cầu, tiêu thụ sản phẩm.

Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, hiện nay cả nước có 83 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất đạt 98,56 triệu tấn. Tuy nhiên, con số này vẫn tiếp tục tăng, trong năm 2018 dự kiến sẽ có 3 dây chuyền với công suất 10,1 triệu tấn sẽ đi vào vận hành, gồm: Xi măng Sông Lam dây chuyền 3,4 (giai đoạn 2) của tập đoàn The Vissai, công suất 3,8 triệu tấn/năm; xi măng Kaitô Hà Tiên của Thai Group công suất 4,5 triệu tấn; xi măng Tân Thắng (Nghệ An) công suất 1,8 triệu tấn/năm.

Với việc bổ sung các dự án này, tính đến hết năm 2018 công suất thiết kế của ngành xi măng Việt nam đạt khoảng 108,66 triệu tấn.

Theo các chuyên gia trên lĩnh vực Vật liệu xây dựng, mặc dù, thị trường tiêu thụ xi măng nội địa và xuất khẩu trong 5 tháng vừa qua có mức tăng khá, giá xi măng cũng tăng nhẹ do nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng nhưng cuộc chiến tiêu thụ sản phẩm vẫn hết sức cam go.

Dự báo của Hiệp hội xi măng Việt Nam cho thấy, năng lực sản xuất thực tế của các doang nghiệp ngành xi măng có thể đạt tới từ 120-130 triệu tấn/năm. Theo dự báo trong quy hoạch, với khả năng tiêu thụ sản phẩm đến năm 2020 đạt khoảng 93 triệu tấn thì sẽ dư thừa khoảng 25-30 triệu tấn.

Các chuyên gia cho rằng ngành xi măng Việt Nam vẫn đang tồn tại một nghịch lý đó là trong bối cảnh xi măng dư cung cao vẫn có những nhà máy được xây dựng mới hoặc mở rộng thêm dây chuyền sản xuất trong khi đó vẫn còn một số đơn vị làm ăn bết bát do không thể tiêu thụ được sản phẩm.

Để khắc phục tình trạng này, Hiệp hội xi măng Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất xi măng đã kiến nghị Chính phủ và Bộ Xây dựng nên có kế hoạch giãn tiến độ đầu tư xây dựng các nhà máy XM giai đoạn 2019-2025

Ngày 21/5/2018, Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về phát triển công nghiệp xi măng. Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan đánh giá thực trạng ngành xi măng. Trên cơ sở đó, xây dựng Chiến lược phát triển công nghiệp xi măng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm cân đối cung cầu.